DU LỊCH TUYÊN QUANG HẤP DẪN DU KHÁCH VỚI 600 DI LỊCH SỬ, VĂN HOÁ ĐỘC ĐÁO

Ai đã từng đến Tuyên Quang, dù chỉ một lần, đều khó có thể quên được mảnh đất xa xôi, nhỏ bé, nhưng chất chứa nỗi niềm này. Một Tuyên Quang của những năm tháng kháng chiến trường kỳ, gian lao, vất vả, nhưng vô cùng oanh liệt. Một Tuyên Quang của những vùng đồi núi điệp trùng vừa đẹp lại vừa thơ. Một Tuyên Quang của những con người tình nghĩa, thuỷ chung, cần cù, chịu khó. Và, không thể thiếu một Tuyên Quang của những cô gái đằm thắm mặn mà, có sức hấp dẫn vượt thời gian…

Có thể hiểu được vì sao, nhà thơ Xuân Diệu khi trở lại mảnh đất này, đã phải bật thốt lên thành lời như không thể kìm nén nổi:

Đất nước ơi ta quyện với mình chặt lắm

Nên đi rồi lòng không thể gỡ ra

Tuyên Quang, Tuyên Quang đâu là mình đất thắm

Và phần nào là hồn thẳm của ta

                                                               (Về Tuyên)

Còn nhà thơ Tố Hữu thì vô cùng ngỡ ngàng, hào hứng khi đứng trước vẻ đẹp của dòng sông Lô Tuyên Quang chan hoà ánh nắng:

Nắng chói sông Lô hò ô tiếng hát

Chuyến phà dào dạt, bến nước Bình Ca

                                                         (Tố Hữu)

 Không hiểu các nhà thơ có duyên với Tuyên Quang, hay chính Tuyên Quang đã tạo nên cái duyên kỳ diệu để làm say bao ngòi bút.

Theo kiểm kê, đánh giá sơ bộ của Bảo tàng tỉnh, hiện nay Tuyên Quang có gần 600 di tích lịch sử, văn hóa, trong đó có gần 450 di tích lịch sử cách mạng và kháng chiến, ghi đấu những địa điểm Bác Hồ, Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các ban, bộ, ngành Trung ương ở, làm việc trong thời kỳ kháng chiến.

Trong số hơn 600 di tích lịch sử, văn hóa, đã có 200 di tích được xếp hạng di tích quốc gia; 108 di tích được xếp hạng cấp tỉnh, các di tích còn lại đã và đang được lập hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng và cắm biển ghi dấu sự kiện, khoanh vùng bảo vệ.

Bản đồ du lịch Tuyên Quang

Các di tích lịch sử cách mạng và kháng chiến ấy mãi mãi là “Bảo tàng sống”, là di sản văn hóa vô cùng quý giá không chỉ đối với đồng bào các dân tộc Tuyên Quang mà còn đối với nhân dân cả nước.

Nhân dân các dân tộc Tuyên Quang đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh bảo vệ an toàn lãnh tụ và căn cứ đầu não của cách mạng, góp phần quan trọng vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc, xứng đáng với tầm vóc lịch sử “Thủ đô Khu giải phóng”, “Thủ đô kháng chiến”. Các di tích lịch sử cách mạng và kháng chiến ở Tuyên Quang là kho tư liệu vô giá của lịch sử Đảng và lịch sử cách mạng Việt Nam. Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào “nằm trong hệ thống di tích lịch sử cách mạng quan trọng bậc nhất của lịch sử dân tộc Việt Nam trong thế kỷ 20”, trong đó, có những di tích nổi tiếng như: Lán Nà Nưa, đình Tân Trào, cây đa Tân Trào, lán Hang Bòng, di tích  Văn phòng Chủ tịch phủ – Thủ tướng phủ ở Bình Yên, di tích hầm bí mật, an toàn của Trung ương Đảng, Chính phủ và Bác Hồ ở Khuôn Điển, xã Kim Quan, di tích nơi Chủ tịch Tôn Đức Thắng ở , làm việc và Ban Thường trực Quốc hội ở Chi Liền, xã Trung Yên; Khu di tích Quốc gia đặc biệt Đại hội II của Đảng ở xã Kim Bình…gắn liền với những sự kiện quan trọng của lịch sử dân tộc, chứa đựng giá trị về truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, cùng giá trị về nghệ thuật chỉ đạo quân sự tài tình của Đảng, Bác Hồ. Đó là những di sản văn hóa vô giá mà Đảng bộ, nhân dân các dân tộc Tuyên Quang vinh dự thay mặt nhân dân cả nước giữ gìn và phát huy giá trị cho thế hệ hôm nay và mai sau.

Join The Discussion

Compare listings

Compare