Du lịch Tuyen Quang ngành kinh tế chủ chốt thúc đẩy Bất động sản Tuyên Quang thăng hoa
PHẦN I
I. Khái quát
Là một tỉnh miền núi, có địa hình đa dạng, khí hậu ôn hòa, mát mẻ, giao thông tương đối thuận lợi, nhiều hang động, hồ ao, sông ngòi… Tuyên Quang được xem là một trong số các tỉnh miền núi phía Bắc có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế du lịch, nhất là du lịch sinh thái.
ở vùng phía Bắc, bao gồm các huyện Hàm Yên, Chiêm Hóa, Nà Hang và phần phía Bắc huyện Yên Sơn, với diện tích rộng tới 3.777,14 km2 (chiếm 64,89% tổng diện tích của cả tỉnh), là nơi tập trung nhiều ngọn núi cao, phong cảnh đẹp, như: Chạm Chu (1.587m, ở phía Bắc huyện Hàm Yên), Pia Phơưng, Ta Pao, Kia Tăng (phía Bắc huyện Nà Hang), khu vực núi đá vôi thuộc các huyện Chiêm Hóa, Hàm Yên v.v… Thế mạnh của vùng cao phía Bắc là kinh tế vườn rừng, trang trại để phát triển từ các loại cây công nghiệp, cây ăn quả, chăn nuôi, gia súc, gia cầm… do đó cũng là những điểm hấp dẫn du khách.
ở vùng trung tâm, gồm thị xã Tuyên Quang, phía Nam huyện Yên Sơn, phía Bắc huyện Sơn Dương và vùng phía Nam gồm phần lớn huyện Sơn Dương, là nơi giàu tiềm năng nhất là về khoáng sản, giao thông thuận lợi hơn so với vùng phía Bắc, có nhiều di tích lịch sử, cách mạng và văn hóa, nên rất thuận tiện cho việc hình thành các tua du lịch. Nhiều vùng hồ và các khu rừng nguyên sinh ở phía Bắc, phía Nam còn được coi là những điểm nghỉ mát, an dưỡng lý tưởng, khiến du khách đến rồi nhớ mãi không quên.
Theo điều tra của các nhà sinh vật học, ở khu bảo tồn Tát Kẻ – Bản Bung (huyện Nà Hang) còn tập trung nhiều loại động vật, trên diện tích khoảng 41 nghìn ha (có 26 nghìn ha rừng nguyên sinh) và các nguồn nước khoáng có giá trị ở Mỹ Lâm, Bình Ca. ở đây có trên 40 loài thú quý hiếm, điển hình là Voọc mũi hếch, Voọc má trắng, cu ly, gấu… Nhóm chim có 70 loài, đặc biệt là trĩ, gà lôi trắng, phượng hoàng… Khu bảo tồn này không chỉ có giá trị đối với việc nghiên cứu môi trường, sinh thái, mà còn là nơi bảo tồn nguồn gen đa dạng của khu hệ động thực vật vùng núi cao của nước ta, đồng thời cũng là khu du lịch hấp dẫn nhiều du khách.
Tiêu biểu cho tài nguyên du lịch tự nhiên ở Tuyên Quang còn phải kể đến khu vực Thượng Lâm (cách huyện lỵ Nà Hang 25km), với cảnh đẹp núi non hùng vĩ của 99 ngọn núi được coi như một “Hạ Long cạn”; thác Pắc Pan – Suối Mơ (cách thị xã Tuyên Quang 111km) với vẻ đẹp nguyên sơ thuần khiết; các hang động đa dạng cảnh sắc, như hang Tiên (Hàm Yên), hang Thẩm Hốc, Thẩm Vài, Bó Ngoặng, Mỏ Bài (Chiêm Hóa).
Tài nguyên du lịch nhân văn của Tuyên Quang cũng rất đa dạng, phong phú.
Tuyên Quang là tỉnh có nhiều thành phần dân tộc. Nơi đây tập trung hơn 20 dân tộc anh em, trong đó có 8 dân tộc có số dân đông hơn cả là: Kinh, Tày, Dao, Cao Lan, Nùng, Hoa, H’mông, Sán Dìu. Sự đa dạng trong văn hóa các dân tộc có sức cuốn hút lớn đối với một vùng văn hóa cụ thể, cũng như với các sản phẩm du lịch. Đây được xem là một trong những thế mạnh của du lịch Tuyên Quang.
Vùng đất Tuyên Quang vốn là một bộ phận lãnh thổ lâu đời của nước Đại Việt – Việt Nam. Từ lâu, các sản vạt nổi tiếng của vùng đất này đã được nhiều người biết đến và đã được ghi chép trong sử sách xưa. Theo “Dư địa chí” của Nguyễn Trãi (thế kỷ XV), “nơi đây có vải thêu xanh và mật ong vàng nổi tiếng… Sáp hoa là thứ sáp quý nấu với thứ hoa rừng mùi rất thơm ngon. Thu vật có trầm hương, nến hoa, diêm tiêu, dầu và răng voi là tốt…”(1).
Đi sâu tìm hiểu lòng đất Tuyên Quang, các nhà khảo cổ học cho biết, có nhiều di vật khảo cổ, gồm: rìu đá, mũi giáo, các công cụ thuộc thời kỳ đồ đá mới, các khuôn đúc tiền, trống đồng… ở các địa điểm Bình Ca, An Tượng, An Khang (Yên Sơn) và một số điểm khác thuộc huyện Chiêm Hóa. ở huyện Chiêm Hóa còn lưu giữ tấm bia đá cổ ở chùa Bảo Ninh – Sùng Phúc (cao 1,45m, rộng 0,8m). ở thị xã Tuyên Quang còn có thành nhà Mạc (xây dựng năm 1592) v.v…
Theo thống kê của Sở Văn hóa Tuyên Quang, đến năm 2006, toàn tỉnh có trên 400 di tích lịch sử, trong đó có hơn 20 di tích và khu di tích đã được xếp hạng.
Tuyên Quang là quê hương của cách mạng, với nhiều di tích lịch sử – văn hóa gắn với hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Trung ương Đảng và Chính phủ, với Cách mạng tháng 8/1945 và 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược(2). Nằm trong khu căn cứ cách mạng, Tân Trào là địa điểm được chọn làm Thủ đô của khu giải phóng – nơi khai sinh ra Chính phủ của nước Việt Nam mới. Trong suốt thời kỳ kháng chiến chống Pháp, đây là hậu phương vững chắc, là An toàn khu (ATK), với những chiến công lừng danh cả nước, như Chiến thắng sông Lô…
Hệ thống di tích lịch sử cùng với di tích khảo cổ học và các khu rừng sinh thái, hang động, hệ thống đình, chùa, làng văn hóa, làng nghề, vùng chuyên canh, trang trại… với các lễ hội hấp dẫn, in đậm dấu ấn tộc người, những món ăn dân tộc được chế biến từ nguyên liệu địa phương v.v… là kho tàng bí mật, không chỉ hấp dẫn đối với các nhà nghiên cứu lịch sử, dân tộc học, văn hóa học, các nhà kinh tế… mà còn có sức hấp dẫn đối với du khách, nó làm nên nét riêng có, độc đáo trong các tuyến du lịch ở Tuyên Quang hiện nay.
Tiềm năng du lịch Tuyên Quang không chỉ bó hẹp trong phạm vi nội tỉnh, mà còn vươn xa hơn. Với vị trí địa lý và các trục đường quốc lộ đi qua, với sự thuận lợi của đường thủy, đường bộ, đường sắt trên địa bàn, đã tạo điều kiện để hình thành các tuyến du lịch liên tỉnh, quốc tế rất hấp dẫn, như: du lịch qua Thái Nguyên, Yên Bái về Hà Nội (tuyến du lịch đường sắt); hay qua Yên Bái – Lào Cai sang Trung Quốc; du lịch đường bộ có thể lên Hà Giang, Bắc Kạn, Cao Bằng và sang Trung Quốc v.v…
(1) UBKHXH Việt Nam, Viện Sử học, Nguyễn Trãi toàn tập, Nxb KHXH, Hà Nội, 1976, tr.229-230
(2)Cuối tháng 5/1945, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã chuyển từ Cao Bằng về Tân Trào (Tuyên Quang). Sau khi nghe báo cáo tình hình, Người đã ra Chỉ thị thành lập khu giải phóng, gồm các tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang, Lạng Sơn và một phần của tỉnh Bắc Giang, Phú Thọ, Vĩnh Yên, Yên Bái. Từ đây, Tân Trào trở thành trung tâm khu giải phóng – đầu não lãnh đạo phong trào kháng chiến toàn quốc.